Trong thế giới đá quý, kim cương được coi như vị Hoàng đế dẫn đầu bởi vẻ đep sang trọng và tinh tế vượt thời gian. Để có được vẻ đẹp lung linh mê hoặc ấy, ngoài bản chất trời sinh tự nhiên, kim cương còn phải trải qua quá trình mài giũa cắt gọt công phu dưới bàn tay của con người. Chính những giác cắt kỳ diệu ấy đã giúp viên ngọc quý thêm đẹp thêm sang gấp bôi phần. Độ chói, độ phát lửa và độ lấp lánh là những thuật ngữ chuyên môn dùng để đánh giá về một viên kim cương đã qua mài cắt, và đó cũng là những tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá vẻ đẹp của một viên kim. Vậy độ chói, độ phát lửa, độ lấp lánh của kim cương là gì và chúng được kiểm chứng như thế nào ? Cùng KJ tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
1. ĐỘ CHÓI
Độ chói là yếu tố quan trọng nhất khi khảo sát về tính cân đối của viên kim cương sau mài cắt. Khi chiếu một chùm tia sáng vào mặt bàn kim cương, nếu viên kim được chế tác với độ cân đối rất tốt thì khi chùm tia sáng vào bên trong viên kim cương sẽ phản xạ từ mặt giác này sang mặt giác khác, cuối cùng lọt trở lại mặt bàn và thoát ra gây ấn tượng về độ chói. Chiếu nhiều chùm tia sáng một lúc lên bề mặt kim cương sẽ làm cho viên kim cương đó chói sáng mạnh mẽ nhất, và lý tưởng nhất là chiếu chùm tia sáng và thu lại được 100% trên bề mặt bàn kim cương. Khi đó chế tác đạt độ cân đôi cao nhất.
2. ĐỘ PHÁT LỬA
Trong viên kim cương, tia sáng phản xạ từ mặt này sang mặt khác như chuyền qua một lăng kính, tạo nên hiện tượng tán sắc. Cuối cùng chùm tia lọt khỏi viên kim cương vào mắt người quan sát , từ các mặt giác tỏa ra các màu đa sắc xanh, đỏ tựa như nhìn vào ống kính vạn hoa. Hiện tượng này được gọi là độ phát lửa. Chính tính chất phát lửa này làm nên vẻ đẹp độc đáo của kim cương, trong sáng ngọc ngà nhưng lại phát ra những tia đa sắc như ánh hào quang, rực rỡ mà lại vô cùng thanh lịch. Một viên kim cương được mài cắt tốt, đạt tiêu chuẩn sẽ có độ cân đối tốt, cho độ phát lửa mạnh và ngược lại.
Độ cân đối quyết định độ chói, và độ chói ảnh hưởng trực tiếp đến độ phát lửa của kim cương
3. ĐỘ LẤP LÁNH
Độ lấp lánh là độ phản xạ của từng mặt giác theo nhiều phương khác nhau nên khi ta di chuyển viên kim cương tạo nên cảm giác tắt sáng liên tục tựa như một ngôi sao từ xa trong vũ trụ lấp lánh giữa bầu trời đen. Khi chế tác kim cương, số lượng các mặt giác càng lớn thì độ lấp lánh càng cao. Xu hướng ngày nay người ta thường mài một viên kim cương có khoảng 74-82 mặt giác, có khi mài trên 100 mặt, gây nên độ lấp lánh quá mạnh làm giảm độ chói và độ phát lửa.
Hy vọng rằng với những thông tin trên đây, các bạn đã có được cái nhìn tổng quan hơn về kim cương- Hoàng đế của các loài đá quý, từ đó có những cách phân biệt và nhận biết kim cương chính xác nhất.
Hương Trà KJ